11 câu hỏi cần ghi nhớ trong quá trình phỏng vấn
Bạn được quyền biết thời gian bắt đầu, lịch làm việc, cũng như bạn sẽ phải chờ bao lâu trước khi có kết quả chính thức. Tất nhiên, hầu hết mọi người đều tìm kiếm nhiều hơn
Những người có kinh nghiệm “chinh chiến” trên mặt trận việc làm không bao giờ quên 2 nguyên tắc cơ bản:
1. Luôn chuẩn bị trước một vài câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng, bởi họ thường yêu cầu bạn đặt câu hỏi ở thời gian cuối mỗi cuộc phỏng vấn, nhằm có cái nhìn toàn diện hơn về khả năng phản xạ cũng như hiểu biết của bạn về công ty họ.
2. Bạn phải luôn sẵn sàng trả lời những câu hỏi cơ bản như “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”, “Kế hoạch của bạn trong 5 năm tới?”, v.v…
Tuy nhiên, có một nguyên tắc thứ 3 mà không phải bất cứ ứng viên nào cũng nắm được, đó là:
3. Hãy liên tiếp đặt ra các câu hỏi với nhà tuyển dụng xuyên suốt quá trình thi tuyển.
Tốt hơn hết, bạn nên dành một chút thời gian để nghiên cứu kĩ lưỡng về những câu hỏi này. Bạn không nhất thiết phải hỏi để thể hiện bản thân hay để biết rõ hơn về công ty. Thay vào đó, hãy coi đây như một cơ hội để bạn “phỏng vấn” ngược nhà tuyển dụng trong khi chính họ đang phỏng vấn bạn. Tham khảo 11 câu hỏi dưới đây để giúp bạn thực sự trở nên nổi bật hơn so với các ứng viên khác.
Khi bạn nhận được điện thoại thông báo về cuộc phỏng vấn
1. Ai sẽ phỏng vấn tôi?
Cách hiệu quả nhất để chuẩn bị tâm lý cho một cuộc phỏng vấn là biết trước ai sẽ là người phỏng vấn bạn. Tùy xem người phỏng vấn là trưởng phòng nhân sự hay giám đốc dự án, bạn sẽ phải có phương thức chuẩn bị và ứng xử linh hoạt trong từng trường hợp. Trước cuộc hẹn, bạn cũng cần tìm hiểu thêm đôi nét về tiểu sử, chức vụ, thậm chí là cả tính cách, sở thích của nhân vật này nếu có thể. Họ sẽ cảm thấy bất ngờ và thú vị nếu bạn đưa ra được những câu hỏi cho thấy bạn là người tinh tế, nhanh nhạy, hiểu và tôn trọng họ cũng như công ty.
Thêm vào đó, nếu như người liên lạc với bạn không thể đưa ra một cái tên cụ thể, đây hoàn toàn có thể là dấu hiệu cho thấy họ không hề coi trọng công tác tuyển dụng, hay không quan tâm đúng mức đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Một nhà tuyển dụng nghiêm túc sẽ có bản phân công công tác đi kèm lịch hẹn rõ ràng trước khi liên lạc với mỗi ứng viên.
2. Công việc có trả thù lao theo hoa hồng hoặc yêu cầu tôi phải mua sản phẩm của công ty trước khi bắt đầu hay không?
Nếu bạn nhận được một cuộc điện thoại bất ngờ, mời tham gia ứng tuyển một vị trí bạn chưa bao giờ nghe tới, kèm theo những mô tả mập mờ, cụt lủn, hãy thận trọng. Nếu không có mức lương cơ bản nào được đưa ra cụ thể, hoặc công việc yêu cầu bạn phải mua một bộ sản phẩm/gói hỗ trợ của công ty trước khi bắt đầu, đừng ngại đưa ra những câu hỏi thẳng thắn dành cho họ để tránh rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” sau này.
3. Ông/bà có thể nói rõ hơn cho tôi về đặc thù công việc? Liệu bằng cấp của tôi có đáp ứng được với những đòi hỏi này hay không?
Bạn đã chăm chút từng li từng tí cho hồ sơ xin việc của mình, đã cố gắng hết sức để làm nổi bật những kĩ năng, bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm mà bạn sở hữu. Nhiệm vụ của nhà tuyển dụng là xem xem liệu một ứng viên như bạn có thích hợp với những yêu cầu mà họ đưa ra. Nếu họ không trả lời được câu hỏi thứ 3 này, nhiều khả năng họ chỉ đang tìm kiếm những người sẵn sàng chấp nhận làm việc trong mọi điều kiện, và họ có thể dễ dàng thay thế khi cần.
Trong buổi phỏng vấn
4. Kế hoạch phát triển ngắn/dài hạn của vị trí mà tôi đang theo đuổi?
Người phỏng vấn chắc chắn sẽ muốn biết mục tiêu sự nghiệp của bạn. Ngược lại, bạn cũng nên biết họ kì vọng gì ở bạn với vai trò một nhân viên mới. Họ quan tâm đến doanh thu, cải thiện hình ảnh công ty, củng cố văn hóa công sở hay điều gì khác? Bạn cần chắc chắn rằng họ không chỉ đang tìm kiếm một người lấp chỗ trống tạm thời.
5. Ông/bà có thể cho tôi biết vì sao người nhân viên từng đảm nhận vị trí này lại quyết định thôi việc?
Trong nhiều trường hợp, họ sẽ không muốn tiết lộ cho bạn, nhưng cũng đừng e ngại đặt ra những câu hỏi tương tự. Nếu người nhân viên cũ được cất nhắc lên cấp lãnh đạo, hoặc thậm chí kiếm được một việc làm tốt hơn ở những công ty khác, điều này cho thấy đây là một vị trí thuận lợi, có nhiều khả năng thăng tiến.
6. Tôi sẽ phải tiếp xúc và làm việc với những ai để hoàn thành nhiệm vụ được giao?
Vai trò của bạn sẽ là gì trong một nhóm dự án, một văn phòng hoặc đối với cả doanh nghiệp? Liệu bạn có cơ hội để tiếp xúc với những nhân vật quan trọng, có tiềm năng giúp bạn phát triển sự nghiệp hay không? Hay ngược lại, có phải bạn sẽ dành ra 8 tiếng một ngày trước màn hình vi tính, trong một không gian chật hẹp chỉ vài mét vuông? Sẽ không dễ dàng để bạn nhảy việc chỉ trong một sớm một chiều, vì thế hãy tìm hiểu ngay từ những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt mà quan trọng này.
7. Thách thức lớn nhất dành cho những người đảm nhận vị trí công việc này là gì?
Bất cứ công việc nào cũng có những khó khăn trở ngại của riêng nó, và đây cũng có thể là chất xúc tác khiến bổ sung cho cuộc sống hàng ngày của bạn thêm nhiều màu sắc và gia vị. Một nhà tuyển dụng khôn ngoan sẽ không ngần ngại trả lời cho bạn câu hỏi này. Đây cũng là dịp tốt để bạn bày tỏ những suy nghĩ, ý tưởng của riêng mình, cũng như quyết tâm vượt qua mọi thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trái lại, nếu người phỏng vấn hết lời ca ngợi, tán tụng công việc tương lai của bạn tới tận mây xanh, hãy cảnh giác.
8. Ông/bà có nghi ngờ gì về năng lực cũng như sự phù hợp của tôi với công việc hay không?
Không phải lãnh đạo cấp cao nào cũng có kinh nghiệm trong việc phỏng vấn, hoặc mạnh dạn đưa ra những nhận xét thẳng thắn về bạn ngay trong cuộc phỏng vấn. Đừng ngại giúp họ giải tỏa mọi vướng mắc, hoài nghi về năng lực của bạn, bởi bạn không có nhiều cơ hội để làm việc này sau khi buổi phỏng vấn đã kết thúc.
9. Nếu được nhận, bao giờ tôi có thể bắt đầu làm việc?
Bạn được quyền biết thời gian bắt đầu, lịch làm việc, cũng như bạn sẽ phải chờ bao lâu trước khi có kết quả chính thức. Tất nhiên, hầu hết mọi người đều tìm kiếm nhiều hơn một cơ hội cùng lúc, và việc biết trước tiến trình xét tuyển sẽ giúp bạn đưa ra quyết định nghề nghiệp một cách chính xác nhất.
Sau buổi phỏng vấn
10. Phía công ty đã có kết quả chính thức hay chưa? (nếu như đã quá hạn công bố mà bạn vẫn chưa có tin tức gì)
Nếu như nhà tuyển dụng nói với bạn rằng phải mất một tuần mới có kết quả chính thức, hãy kiên nhẫn đợi thêm 1, 2 ngày nếu kết quả đến muộn hơn thời hạn. Một email hỏi thăm tình hình là đủ – tránh việc làm phiền họ tại cơ quan trong giờ hành chính, bởi việc này sẽ chỉ gây bất lợi cho bạn mà thôi.
11. Ông/bà có lời khuyên nào để tôi cải thiện kĩ năng phỏng vấn hay không?
Nếu bạn không may bị loại sau vòng phỏng vấn, đừng quá bi quan hay thất vọng, hãy coi như đây là một cơ hội để cọ xát và rèn luyện kĩ năng phỏng vấn.
Leave a Reply